Những nội dung cơ bản của luật Cảnh sát cơ động 2022
Ngày 14 tháng 6 năm 2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động năm 2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Luật Cảnh sát cơ động được thông qua có 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Điều 3 Luật CSCĐ quy định rõ Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân.
Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật Công an nhân dân và được xác định rõ trong Luật CSCĐ, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam). Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chủ trì, CSCĐ sẽ chỉ phối hợp thực hiện khi được yêu cầu tham gia giải quyết vụ việc.
Lực lượng CSCĐ thuộc Công an nhân dân, nên Luật quy định CSCĐ là “lực lượng vũ trang nhân dân” là phù hợp và thống nhất với một số luật đã ban hành (Điều 3 Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam); đồng thời, là căn cứ pháp lý để xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng chế độ, chính sách, bảo đảm hoạt động, tạo điều kiện để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, tránh lạm quyền, nhất là các nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, khoản 2 Điều 4 của Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là phải “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Chức năng của CSCĐ được ràng buộc và điều chỉnh bởi Luật Công an nhân dân, các luật khác có liên quan và quy định tại Luật này.
Bên cạnh đó, việc luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ góp phần tác động tới tình hình trật tự, an toàn xã hội theo chiều hướng tích cực. Theo đó, các quan hệ xã hội được CSCĐ quản lý, thực hiện nhiệm vụ sẽ được bảo đảm ổn định, an toàn, kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh do có đủ cơ sở pháp lý và phân định rõ phạm vi thẩm quyền của lực lượng này.
Các vụ bạo loạn có vũ trang, khủng bố, tập trung đông người biểu tình bất hợp pháp… sẽ được CSCĐ giải quyết trên cơ sở thực thi đúng trong khuôn khổ pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương và bảo đảm hoạt động bình thường của các chủ thể.
Đặc biệt, quy định mới về việc CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ trong trường hợp sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự và quy định về CSCĐ được quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ tính chất đặc thù của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Hoạt động của CSCĐ dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân, gắn kết cộng đồng xã hội và bảo đảm cho các hoạt động xã hội diễn ra ổn định.
Đồng thời, quy định trên cũng nâng cao vị trí, vai trò của CSCĐ, nâng cao ý thức pháp luật, góp phần tạo sự đồng thuận và chuyển biến tích cực về nhận thức trong các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, người dân và toàn xã hội đối với vị trí, vai trò của CSCĐ, hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả hoạt động của lực lượng này; quy định cụ thể, minh bạch các nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ trong văn bản luật sẽ tạo điều kiện cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ cũng như tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của lực lượng này.