Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng

 Sáng 13-12, tại Trụ sở T.Ư Đảng, thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32 của Bộ Chính trị khóa IX về Xây dựng và phát triển TP Hải Phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc.


Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư.
Thay mặt Bộ Chính trị, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng tình với Tờ trình của Ban Kinh tế T.Ư về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32 và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí cho rằng, việc chuẩn bị tổng kết được thực nghiêm túc, công phu, nội dung phong phú, phản ánh đầy đủ kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32; nêu rõ định hướng, giải pháp cụ thể cho thời gian tới. Bộ Chính trị đánh giá, với việc thực hiện Nghị quyết số 32, Hải Phòng có bước tiến xa trên tất cả các mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; xây dựng, quản lý đô thị có nhiều kết quả; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; văn hóa xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng, đối ngoại có bước tiến mới. Hạ tầng phát triển đồng bộ; các chỉ tiêu cụ thể cơ bản đạt.
Hải Phòng đã từng bước phát huy vai trò một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía bắc. Giai đoạn 2003 - 2017, kinh tế tăng trưởng cao, bình quân gấp 1,68 lần mức tăng trưởng chung của cả nước, cao hơn 1,5 lần giai đoạn trước khi có Nghị quyết. Quy mô kinh tế năm 2017 gấp 4,27 lần so năm 2003. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2017 đạt 3.694 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước; tăng 5,43 lần so năm 2003. Huy động các nguồn lực cho Thành phố được tăng cường, giai đoạn 2003 - 2017 thu hút đầu tư đạt 487.921 tỷ đồng, tăng bình quân 16,58%; tổng vốn FDI đạt 14,2 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án của tập đoàn, công ty trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam.
Hải Phòng đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại; là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá, hoàn thành nhiều công trình quan trọng.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, không say sưa với kết quả đạt được, không được chủ quan. So với mục tiêu đề ra, có những nội dung chưa đạt. Là trung tâm của vùng với nhiều lợi thế, ưu đãi như cảng biển, giao thông kết nối, sự quan tâm của T.Ư, nhưng sự phát triển của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng, chưa được như mong muốn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, Hải Phòng cần phát huy truyền thống đặc biệt của thành phố cảng trung dũng, kiên cường, đi đầu trong đổi mới. Cần chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu, khả năng để phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Chú ý phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục.
Đặc biệt, chú trọng quốc phòng, an ninh, phát huy mạnh vai trò trung tâm của vùng. Chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, nhất là việc thực hiện các nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Cần phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể, xây dựng đoàn kết nội bộ vì sự nghiệp chung; đẩy mạnh việc ngăn ngừa, chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các chỉ tiêu đã đề ra và mong Thành phố cố gắng phấn đấu với quyết tâm, đồng thuận cao để thực hiện bằng được. Mặt nào yếu thì tập trung đầu tư chỉ đạo khắc phục; mặt mạnh thì phát huy. Bộ Chính trị đồng ý ban hành nghị quyết mới về phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045; có cơ chế, chính sách đặc thù với Thành phố, nhưng tập trung vào các lĩnh vực cần khuyến khích phát triển, đất nước đang cần và bảo đảm sự tương ứng với các địa phương khác có các điều kiện như Hải Phòng và phải đúng chính sách, đúng pháp luật. Về mô hình chính quyền đô thị, học tập cách làm, kinh nghiệm của các TP Hồ Chí Minh và Hà Nội
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để phát triển TP Hải Phòng, các ban, bộ, ngành T.Ư cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ, tiếp sức, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo và cả về công tác cán bộ,…
Tin và ảnh: BẮC VĂN
Báo nhân dân

Mới hơn Cũ hơn