Phân tích vị trí, vai trò của Khoa học Lý luận về nhà nước và pháp luật với các ngành khoa học xã hội khác?

Phân tích vị trí, vai trò của Khoa học Lý luận về nhà nước và pháp luật với các ngành khoa học xã hội khác?



VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC LÝ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRONG HỆ THỐNG KHOA HỌC XÃ HỘI.

Bài chỉ mang tính chất tham khảo.

Với tư cách là một ngành khoa học xã hội, lý luận về nhà nước và pháp luật không tồn tại một cách biệt lập với các ngành khoa học xã hội khác mà nó có mối quan hệ mật thiết, qua lại, tác động chặt chẽ với các ngành khoa học xã hội khác. Bởi thế, trong nghiên cứu nhà nước và pháp luật, lý luận về nhà nước và pháp luật phải dựa và tổng thể những kiến thức khoa học, dựa vào phương pháp khoa học của nhiều khoa học xã hội khác, nhất là mối liên hệ với triết học, kinh tế chính trị học và chính trị học.

Triết học (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử) với tính cách là thế giới quan của khoa học hiện đại có vai trò đặc biệt to lớn đối với lý luận về nhà nước và pháp luật. Trong mối liên hệ với triết học duy vật biện chứng, triết học duy vật biện chứng đã trang bị cho lý luận về nhà nước và pháp luật phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu. Đối với triết học duy vật lịch sử, lý luận về nhà nước và pháp luật là sự tiếp tục trực tiếp các nguyên lý triết học chung của chủ nghĩa duy vật lịch sử về bản chất của nhà nước và pháp luật, sự tác động qua lại của nhà nước và pháp luật với cơ sở kinh tế và sự biến đổi của chúng theo sự phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật lịch sử với tư cách là một bộ phận của triết học, là khoa học về các quy luật chung nhất của sự phát triển của tất cả các hiện tượng xã hội, còn đối tượng của lý luận về nhà nước và pháp luật chỉ là những quy luật của một bộ phận các hiện tượng xã hội ấy, đó là nhà nước và pháp luật.

Kinh tế học chính trị là khoa học về những quy luật quan hệ sản xuất - cơ sở kinh tế của xã hội. Những khái niệm của kinh tế chính trị học như: lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, sở hữu... có ý nghĩa to lớn đối với lý luận về nhà nước và pháp luật. Bởi lẽ, lý luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu nhà nước và pháp luật là những hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, kinh tế chính trị học nghiên cứu những yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng, vì thế lý luận chung về nhà nước và pháp luật sử dụng những kiến thức của khoa học kinh tế chính trị để làm rõ đối tượng nghiên cứu của mình.

Chính trị học nghiên cứu các quy luật và tính quy luật trong sự hình thành, phát triển của chính trị, của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước cùng những cơ chế, phương thức, cách thức sử dụng các quy luật đó trong xã hội được tổ chức thành nhà nước. Khách thể nghiên cứu của chính trị học là tất cả những gì mà khi giải quyết chúng liên quan đến lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia. Có thể hiểu chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp, các cộng đồng, các quốc gia, các dân tộc; là sự tham gia của nhân dân vào giải quyết các công việc của nhà nước và của xã hội, là tổng hợp những phương hướng, những mục tiêu được quy định bởi lợi ích cơ bản của giai cấp, của đảng phái; là thực tiễn hoạt động chính trị của các giai cấp, các đảng phái, nhà nước để thực hiện đường lối đã được lựa chọn nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Khách thể nghiên cứu của lý luận về nhà nước và pháp luật chỉ là nhà nước và pháp luật với tính cách là một bộ phận của đời sống chính trị. Nghiên cứu nhà nước và pháp luật, lý luận về nhà nước và pháp luật cần sử dụng những khái niệm của chính trị học như: quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, quyền lực nhân dân, quan hệ chính trị, quan hệ giai cấp, đảng phái.v.v...

Không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với các ngành khoa học xã hội nói trên, lý luận về nhà nước và pháp luật còn có mối quan hệ mật thiết với các ngành khoa học pháp lý khác thuộc hệ thống khoa học pháp lý.

Hệ thống khoa học pháp lý là một chỉnh thể tạo nên một lĩnh vực chuyên biệt của nhận thức đó là luật học. Hệ thống có thể chia ra làm 3 nhóm theo những tính chất riêng:

Thứ nhất, các khoa học lý luận - lịch sử pháp lý gồm: lý luận về nhà nước và pháp luật, lịch sử nhà nước và pháp luật, lịch sử các học thuyết chính trị - pháp lý.

Thứ hai, các khoa học pháp lý chuyên ngành gồm: luật hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự, luật tài chính, luật kinh tế...

Thứ ba, các khoa học pháp lý ứng dụng gồm: điều tra tội phạm, thống kê tư pháp, tâm lý tư pháp, tội phạm học v.v...

Giữa lý luận về nhà nước và pháp luật và các ngành khoa học pháp lý khác có mối quan hệ biện chứng. Trong mối quan hệ này, lý luận về nhà nước và pháp luật đóng vai trò là khoa học pháp lý cơ sở. Những kết luận của của nó tạo nên cơ sở để các ngành khoa học pháp lý khác nghiên cứu đối tượng của mình, là phương pháp luận cho việc nghiên cứu của các ngành khoa học pháp lý. Những kết luận, nguyên lý của lý luận về nhà nước và pháp luật được ứng dụng trong việc nghiên cứu các vấn đề riêng của các ngành luật.

Mặt khác, lý luận về nhà nước và pháp luật lại dựa trên những tư liệu cụ thể của các khoa học pháp lý chuyên ngành, ứng dụng để khái quát nâng lên thành những nguyên lý, những phạm trù lý luận về nhà nước và pháp luật.

Do vậy, lý luận về nhà nước và pháp luật là khoa học có vai trò là phương pháp luận đối với các ngành khoa học pháp lý khác. 


Mới hơn Cũ hơn