Một số nội dung cơ bản của luật Nghĩa vụ quân sự

Một số nội dung cơ bản của luật Nghĩa vụ quân sự

Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện NVQS bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội nhân dân... nhằm góp phần xây dựng quốc phòng an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tân binh nhập ngũ / zing.vn







Những công dân đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc. Các gia đình cần động viên, khuyến khích con em mình tham gia thực hiện Luật NVQS khi đến tuổi luật định.

1. Quyền lợi được hưởng khi đi nghĩa vụ quân sự:
Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định về các quyền lợi mà người đi nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng, cụ thể như sau:
* Đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ:
- Miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng.
- Khi tham gia tuyển sinh được cộng điểm ưu tiên.
- Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ.

* Đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi xuất ngũ:
- Trợ cấp xuất ngũ một lần;  Trợ cấp tạo việc làm; Khi xuất ngũ, được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú hoặc được cấp tiền tàu, xe và phụ cấp đi đường.
- Được tiếp nhận vào học tiếp tại các trường mà trước khi nhập ngũ đang học hoặc có giấy gọi.
- Nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề.
- Được tiếp nhận vào làm việc, bố trí việc làm tại nơi trước khi nhập ngũ đang làm. Được đảm bảo thu nhập, tiền lương, tiền công…
- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ khi về địa phương được ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

* Đối với người nhà hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
- Nhà ở gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến sập, hư hỏng: Trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần.
- Thân nhân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên: Trợ cấp 500.000 đồng/thân nhân/lần.
- Thân nhân từ trần, mất tích: Trợ cấp 02 triệu đồng/người.
- Con đẻ, con nuôi hợp pháp: Được miễn, giảm học phí.
-  Bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc của chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng;  Vợ hoặc chồng;  Con đẻ, con nuôi hợp pháp đến đủ 18 tuổi (tính theo tháng sinh dương lịch); con đẻ, con nuôi hợp pháp trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật: được cấp thẻ BHYT

2. Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự
- Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Gian dối trong khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự.
Tổ chức, cá nhân có hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 3. Các chế tài xử phạt khi vi phạm:
Về xử phạt hành chính: Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu nêu rất rõ:
* Vi phạm quy định về nhập ngũ
- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ .

* Vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự
- Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí sắp xếp thời gian, không tạo điều kiện cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở người có trách nhiệm thi hành nhiệm vụ về đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không tiếp nhận lại công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc.
- Biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+) Buộc bố trí, tạo điều kiện cho công dân thực hiện chế độ đăng ký, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật 
+) Buộc tiếp nhận lại công dân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về cơ quan, tổ chức cũ làm việc đối với hành vi quy định 
Về truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo Điều 332 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.
Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình; Lôi kéo người khác phạm tội… mức phạt tối đa là 05 năm tù.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình có trách nhiệm giáo dục, động viên và tạo điều kiện cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Mới hơn Cũ hơn