Thế nào là lao động chính trong gia đình để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, thẩm quyền quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện.
Hỏi: Em đang có giấy khám nghĩa vụ quân sự nhưng em là lao động duy nhất của gia định. Vậy, em muốn chứng minh mình là lao động duy nhất thì cần các yếu tố nào để có thể làm đơn xin tạm hoản nghĩa vụ? Và nếu em đầy đủ các yếu tố để xin tạm hoản thì có được tạm hoãn không?
Quân Nguyễn
Ảnh minh họa. |
Trả lời: Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 quy định Tạm hoãn gọi nhập ngũ với công dân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tuổi lao động được tính từ đủ 15 tuổi. Trong khi đó tuổi nghỉ hưu được xác định như sau:
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1.
Như vậy độ tuổi lao động là 15 - 60 tuổi đối với nam và 15 - 55 tuổi đối với nữ. Trường hợp người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm.
Mất khả năng lao động là tình trạng người lao động không còn đủ điều kiện về sức khỏe để tiếp tục tham gia quan hệ lao động theo quy định của pháp luật. Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về người mất khả năng lao động hay các tiêu chuẩn để một người được xem là mất khả năng lao động.
Tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần II của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp “mất khả năng lao động” có nội dung hướng dẫn như sau: Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Căn cứ Điều 19, 22 Bộ luật Dân sự 2015, Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Cũng theo đó, người mất năng lực hành vi dân sự là một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Vậy, trường hợp người được tuyên bố là mất năng lực hành vi thì người đó không thể tham gia vào các quan hệ dân sự cũng như quan hệ lao động. Điều này có thể coi đồng nghĩa với việc người đó không có khả năng thực hiện công việc lao động.
Do vậy, bạn có thể tới UBND xã, phường xin xác nhận mình thuộc trường hợp là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
Sau đó làm đơn xin hoãn nghĩa vụ quân sự, xác nhận của UBND xã, phường nơi thường trú về hoàn cảnh gia đình gửi tới Ban chỉ huy quân sự huyện yêu cầu xét tạm hoãn. Sau khi xét đơn, nếu nhận thấy anh thuộc trường hợp theo quy định nêu trên thì Ban chỉ huy quân sự huyện sẽ ra quyết định tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với bạn.
Luật gia Đồng Xuân Thuận